Trong mấy năm qua, “tứ đại gia” của làng công nghệ, bao gồm Apple, Amazon.com, Google và Facebook đã liên tục lấn sân nhau.
Cuộc chiến của 4 công ty này được dự báo sẽ còn leo thang mạnh mẽ hơn trong năm 2013, tập trung chủ yếu vào hai “mặt trận” bao gồm phần cứng và tìm kiếm trực tuyến.
Theo báo Wall Street Journal, những “ông lớn” về phần mềm bao gồm Google và Amazon đang quan tâm tới việc thúc đẩy mảng phần cứng để củng cố sự trung thành của người tiêu dùng đồng thời tăng cường kiểm soát đối với các dịch vụ phần mềm cũng như nguồn doanh thu từ cá dịch vụ này. Chiến lược như vậy dẫn tới sự xung đột gia tăng với Apple, trong khi “quả táo” cũng muốn phát triển thêm phần mềm để các thiết bị của hãng thêm phần nổi bật.
Với vụ thâu tóm hãng Motororla Mobility với giá 12,5 tỷ USD, Google đang ấp ủ kế hoạch sử dụng nhà sản xuất điện thoại này để tung ra những thiết bị mới chạy hệ điều hành Android nhằm làm lu mờ ánh hào quang của chiếc iPhone. Hãng Amazon, vốn đã khiến cuộc chiến máy tính bảng tăng nhiệt với sản phẩm Kindle Fire, nay còn đang thử nghiệm sản phẩm điện thoại thông minh của riêng mình.
Trong khi đó, cả bốn công ty này đều xem mảng tìm kiếm là một cơ hội lớn để giữ chân và tìm kiếm lợi nhuận từ khách hàng. Kiểu tìm kiếm bằng cách nhập từ khóa vào ô trồng trên Google đã chứng tỏ ưu thế nổi trội suốt nhiều năm qua. Tuy nhiên, các đối thủ của Google giờ lại muốn “hạ bệ” công cụ tìm kiếm này thông qua dịch vụ tìm kiếm trên điện thoại di động thông minh và các thiết bị khác. Bên cạnh đó còn có hàng loạt dịch vụ tìm kiếm khác cho phép các gợi ý từ bạn bè.
Cú đột phá của Apple vào mảng tìm kiếm chính là “phụ tá ảo” Siri, một phần mềm được kích hoạt bằng giọng nói, đem lại câu trả lời cho những chủ đề như thời tiết hay tỷ số các trận đấu thể thao thông qua điện thoại iPhone hoặc máy tính bảng iPad. Năm tới, Apple sẽ tiếp tục “săn lùng” những dữ liệu mới để tăng cường sức mạnh cho dịch vụ này, giúp Siri có thể đáp ứng nhiều hơn nhu cầu của người sử dụng.
Tại một sự kiện diễn ra vào tháng 9 vừa qua, Giám đốc điều hành (CEO) Mark Zuckerberg của Facebook cho rằng, có vô số cách khác nhau đề bạn bè (Friends) có thể cung cấp những câu trả lời hữu ích cho người sử dụng. Zuckerberg cũng tuyên bố, Facebook sẽ tăng cường năng lực tìm kiếm trong tương lai.
Ngoài ra, ở các lĩnh vực khác, từ thương mại điện tử cho tới quảng cáo trực tuyến, Apple, Google, Facebook và Amazon cũng đang đấu đá hết sức quyết liệt. Dưới đây là dự báo của Wall Street Journal về chiến lược cạnh tranh lẫn nhau của “tứ đại gia” này trong năm 2013:
Apple
Trong năm tới, Apple cần chứng minh được rằng hãng có khả năng phòng thủ. Các đối thủ từ Samsung cho tới Amazon đều đang đồng loạt “chĩa súng” vào Apple, sau khi hãng này tung ra những thiết bị mang tính chất định nghĩa như iPhone và iPad.
Những đối thủ này cũng đã gặt hai được một số thành công. Theo số liệu của hãng nghiên cứu IDC, thị phần của Apple tren thị trường điện thoại thông minh toàn cầu đã giảm xuống còn 15% trong quý 3 vừa qua, so với mức 22% trong quý 1.
Điện thoại mới chỉ là một lĩnh vực mà Apple cần phải cẩn trọng trước sự bám đuổi của các đối thủ. Những chiếc máy tính bảng chạy Android cũng đang rút ngắn khoảng cách trong cuộc đua với iPad. Để củng cố lực lượng, Apple, hãng vừa mới trở thành công ty có giá trị vốn hóa lớn nhất lịch sử Mỹ trong năm nay, mới đây đã tung ra chiếc iPad Mini. Đây là sản phẩm máy tính bảng giá rẻ hơn nhằm cạnh tranh với hàng loạt máy tính bảng giá rẻ khác đã ra mắt.
Việc phòng thủ chỉ bảo vệ Apple được đến đó. Để đưa mình vào thế tiến công, CEO Tim Cook của Apple đã nhấn mạnh việc hãng này quan tâm tới sản phẩm TV và đang thử nghiệm những chiếc TV độ nét cao, đồng thời đàm phán thiết lập quan hệ đối tác với các hãng cung cấp dịch vụ truyền hình cáp.
Tuy nhiên, việc đến khi nào Apple sẽ tung ra sản phẩm TV vẫn còn là một ẩn số. Ở những lĩnh vực mới khác của Apple, sự chú ý được dành cho dịch vụ tìm kiếm và phần mềm Siri. Sau thất bại ở dịch vụ bản đồ trong năm nay, Apple đang tiếp tục đầu tư vào “trợ lý ảo” Siri. Vào đầu năm, Apple cũng “câu” mất Giám đốc tìm kiếm của Amazon, William Stasior.
Năm nay, Google đã mạnh bạo bước vào những lãnh địa mới, dẫn tới va chạm không chỉ với các đối thủ chính mà còn với cả các công ty dịch vụ cáp và các nhà mạng không dây. Năm tới, “đại gia” này có khả năng sẽ nỗ lực hơn nữa trong việc kiểm soát số phận của mình, theo đó đảm bảo rằng, công cụ tìm kiếm, trang chia sẻ video Youtuve, và những dịch vụ mới mẻ hơn như Google Wallet (cho phép người sử dụng dùng điện thoại thông minh của họ như một chiếc ví điện tử) có thể tiếp cận người tiêu dùng mà không bị cản trở bởi tốc độ tuy cập Internet chậm chạp hay bị các đối thủ cạnh tranh ngăn cản.
Điều này đồng nghĩa với việc thúc đẩy những sáng kiến mà Google đã tung ra trong năm nay, chẳng hạn như cung cấp dịch vụ Internet tốc độ siêu cao mang tên Google Fiber ở thành phố Kansas, mở đầu cho động thái tương tự ở những nơi khác sau năm 2013; thăm dò các khả năng nhằm kiểm soát truy cập Internet không dây thông qua các mối quan hệ đối tác; và sản xuất điện thoại thông minh và máy tính bảng thông qua Motorola – việc sẽ đem đến cho Google một tiếng nói lớn hơn trong các dịch vụ chạy trên những thiết bị này. Ngoài ra, cũng hy vọng Google sẽ giúp phát triển thêm nhiều thiết bị kết nối web cho các hộ gia đình, sử dụng hệ điều hành mã nguồn mở Android.
Cùng với đó, Google đang có những động thái phòng thủ với mong muốn ngăn cản bước tiến của những đối thủ chính trong lĩnh vực web, bao gồm Amazon và Facebook. Google đã làm việc với các hãng bán lẻ cạnh tranh với Amazon nhằm giúp họ tiếp cận với người tiêu dùng thông qua công cụ tìm kiếm của mình. Năm tới, Google cũng được dự báo sẽ giúp các hãng bán lẻ thực hiện dịch vụ giao hàng trong ngày cho khách mua hàng trực tuyến.
Và để cạnh tranh với Facebook, Google đã thúc đẩy người sử dụng công cụ tìm kiếm này, cùng với Gmail và các dịch vụ khác của hãng đăng ký dùng Google+, một mạng xã hội “lai” giữa Facebook và Twitter cho phép mọi người chia sẻ tin tức, các bức ảnh, video…
Chưa hết, trong năm 2013, Google sẽ phải quyết định xem liệu có thiết lập quan hệ đối tác với một hãng sản xuất ôtô nào đó để tạo ra sản phẩm xe tự lái sử dụng phần mềm Google hay tự mình trực tiếp sản xuất sản phẩm này. Bên cạnh đó, chiếc kính tương tác Google Glass cũng sẽ được tung ra trong năm sau.
Tại Facebook, dấu ấn của năm 2012 là vụ phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO). Năm tới, tâm điểm chú ý đối với Facebook sẽ là việc mạng này tiếp tục tiến vào lĩnh vực kinh doanh lấy di động làm trọng tâm và Facebook sẽ sẵn sàng đi đến đâu ở lĩnh vực điện thoại thông minh.
Trong năm qua, Facebook đã viết lại các ứng dụng di động của mạng này, đưa ra các sản phẩm quảng cáo di động, đồng thời thúc đẩy những ứng dụng di động độc lập mới, chẳng hạn dịch vụ tin nhắn.
Các đối thủ của Facebook muốn biết xem liệu Facebook có nhảy vào lĩnh vực phần cứng, và nếu có thì khi nào điều này sẽ xảy ra. CEO Zuckerberg đã công khai phủ nhận những tin đồn về việc Facebook đang chế tạo một chiếc điện thoại riêng, và gọi việc làm như vậy là một “chiến lược sai lầm”. Tuy nhiên, nguồn tin thân cận với Facebook nói rằng, công ty này đã làm việc với các nhà sản xuất di động như HTC để thiết kế điện thoại.
Một thiết bị được Facebook hậu thuẫn, có khả năng sẽ chạy trên phiên bản được điều chỉnh của phần mềm Android, sẽ giúp cho mạng xã hội này thúc đẩy việc sử dụng các ứng dụng của mình và thu thập được nhiều hơn dữ liệu người dùng.
Ngoài ra, Facebook cũng được kỳ vọng sẽ thúc đẩy lĩnh vực tìm kiếm trong năm tới. Mới đây, mạng này tung ra một tính năng di động mới giúp người sử dụng tìm kiếm các doanh nghiệp ở gần dựa trên bạn bè và mạng xã hội.
Bên cạnh đó, lĩnh vực thương mại điện tử sẽ ngày càng trở nên quan trọng hơn đối với Facebook, vì mạng này mới đây đã giới thiệu dịch vụ Gifts. Nền tảng thương mại điện tử này cho phép người sử dụng gửi hàng hóa, chẳng hạn như thẻ quà tặng của chuỗi cửa hiệu cà phê Starbucks và bánh quy tới bạn bè. Đây thực sự là một mối đe dọa đối với Amazon, nhất là khi Facebook có thêm những đối tác bán lẻ.
Amazon
Đối với Amazon, năm 2013 có thể sẽ là năm tung ra chiếc điện thoại thông minh đã được đồn đoán bấy lâu. Hãng bán lr trực tuyến này hiện đang thử nghiệm một sản phẩm điện thoại thông minh cùng với các nhà cung cấp châu Á và có khả năng sẽ giới thiệu vào đầu năm tới – theo một số nguồn tin thân cận. Một chiếc điện thoại gắn mác Amazon sẽ được phát triển tren kinh nghiệm của công ty này từ các thiết bị Kindle Fire HD, cũng như kho ứng dụng đang phát triển nhanh của công ty. Hiện Amazon đang có hơn 60.000 ứng dụng chạy trên phần mềm Android của Google.
Nếu Amazon tung ra sản phẩm điện thoại, thị phần chiếc iPhone của Apple có thể hao hụt thêm. Đồng thời, khi đó Amazon sẽ thách thức các nhà sản xuất thiết bị khác phát triển những sản phẩm chạy Android, trong đó có Samsung. Amazon có thể sẽ áp mức giá thấp và chấp nhận lợi nhuận thấp đối với chiếc điện thoại này, bởi một sản phẩm như vậy được hãng sản xuất là để tìm kiếm lợi nhuận từ việc bán các hàng hóa khác trên Amazon.com chẳng hạn như sách điện tử, trò chơi và ứng dụng. Đó chính là hướng đi mà CEO Jeff Bezos của Amazon đã áp dụng đối với các sản phẩm máy tính bảng của hãng, xem đây như một nền tảng bán hàng hơn là một đối tượng trực tiếp sinh lợi.
Một chiếc điện thoại thông minh đến từ Amazon cũng sẽ gây thêm áp lực cho các nhà bán lẻ khác, bởi nó sẽ khiến việc mua hàng trên mạng trở nên dễ dàng hơn ngay tại các cửa hiệu bán lẻ thực tế. Amazon đã khuyến khích người tiêu dùng xem hàng trên thực tế trước khi mua trên mạng.
Bên cạnh đó, Amazon cũng đang bám đuổi Apple ở lĩnh vực máy tính bảng. Chiếc Kindle Fire mới nhất của hãng đã nhận được những phản hồi khá tích cực. Giới quan sát kỳ vọng Amazon sẽ đưa ra một sản phẩm máy tính bảng giá rẻ trong năm tới để đưa người sử dụng gắn bó chặt chẽ hơn với “hệ sinh thái” mà hãng đã tạo ra.
Nguồn:VNECONOMY