Internet marketing là lĩnh vực mới đầy tiềm năng, tuy nhiên sự tiếp cận và vận dụng của doanh nghiệp Việt Nam trong lĩnh vực này mới ở giai đoạn sơ khai.
Các chuyên gia cho rằng, năm 2013 tới sẽ là năm của 3 xu hướng chủ đạo của tiếp thị trực tuyến: tiếp thị qua mạng di động, tiếp thị qua mạng xã hội và tiếp thị qua mạng quảng cáo mà doanh nghiệp cần phải quan tâm để thúc đẩy kinh doanh.
Có bột nhưng chưa gột nên hồ
Marketing trực tuyến bao gồm nhiều hình thức khác nhau, một trong số những hình thức phổ biến đang thực hiện tại các công ty là thành lập trang web để giới thiệu về công ty, dịch vụ và sản phẩm của doanh nghiệp; tiếp thị qua thư điện tử; tiếp thị và quảng cáo qua các công cụ tìm kiếm; đặt banner trên các website; tiếp thị và quảng cáo qua các kênh RSS hoặc blog. Theo báo cáo nghiên cứu thị trường của Cimigo, với hơn 30 triệu người dùng internet, số người dùng internet của Việt Nam hiện nhiều hơn tổng dân số của Australia, New Zealand và Singapore cộng lại. Phỏng vấn hơn 6.000 người tại các khu vực thành thị Việt Nam, trung bình cứ 10 người thì có 6 người sử dụng internet. Từ bà nội trợ cho đến các doanh nhân, số lượng người online đều đại diện cho số đông. Trong đó, 67% người dùng internet hàng ngày với 48% sử dụng các công cụ chat hàng tuần, 45% sử dụng mạng xã hội và 75% cho rằng internet giúp họ tìm được các sản phẩm mới.
Số người dùng Facebook tại Việt Nam
Tại buổi hội thảo “Internet Marketing- Đường tới thành công” kỉ niệm 15 năm internet có mặt tại Việt Nam, ông Tuấn Hà, Giám đốc Điều hành công ty Vinalink chia sẻ, nhiều năm qua đã có một số doanh nghiệp Việt đã biết phát triển kinh doanh dựa trên việc ứng dụng tiếp thị trực tuyến. Đơn cử một vài ví dụ điển hình như sự thành công của nhãn hiệu công ty vàng bạc đá quý Phú Nhuận PNJ, công ty máy tính Trần Anh, Thế giới di động, lazada.vn, giaytot.vn… Tuy nhiên, đó chỉ là đa phần các doanh nghiệp (DN) lớn, riêng các DN nhỏ và vừa chưa được tiếp cận thực sự với khu vực Internet Marketing này. Kết quả báo cáo thị trường truyền Thông Việt Nam do TNS Media thực hiện cho thấy, năm 2011, tổng phí quảng cáo trên các phương tiện truyền thông đại chúng tại Việt Nam đạt 16.357 tỉ đồng, tăng 24% so với năm 2010, trong đó Internet chỉ chiếm 4,89% (năm 2010 là khoảng 3%), đạt giá trị khoảng 8.000 tỉ đồng.
Theo Cục Thống kê TPHCM, nếu có 89 doanh nghiệp sử dụng website để marketing và giao dịch trong 100 doanh nghiệp biết đến tiện ích này, thì chỉ có 3 doanh nghiệp có ý định tiếp tục đầu tư trong quá trình vận hành một website. Đáng chú ý là chia theo các lĩnh vực thì nhóm doanh nghiệp hoạt động thương mại, bán buôn chỉ có 28% có website, nhóm dịch vụ chỉ dừng lại ở 26% và nhóm xây dựng vận tại chiếm thấp nhất, 13%.
Những khảo sát đã cho thấy tiếp thị trực tuyến vẫn chỉ chiếm một con số rất nhỏ trong tổng ngân sách truyền thông của các doanh nghiệp, “các doanh nghiệp đang quá chú trọng đến việc thúc đẩy bán hàng qua internet mà chưa đầu tư đủ cho việc xây dựng thương hiệu. Các chiến dịch tiếp thị số tại Việt Nam hầu hết mới chỉ đơn thuần là chuyển hóa các mẫu quảng cáo in sang các quảng cáo banner nhỏ hoặc đơn giản là đưa một mẫu quảng cáo truyền hình lên internet”, ông Joe Wheller, giám đốc điều hành của Cimigo nhấn mạnh. Sở dĩ tiếp thị trực tuyến vẫn chỉ chiếm một phần rất nhỏ trong tổng ngân sách tiếp thị của doanh nghiệp Việt Nam là vì thị trường đang thiếu các công cụ đo lường hiệu quả hoạt động tiếp thị trực tuyến. Các doanh nghiệp chi nhiều tiền cho quảng cáo thường đã được tiếp cận với số liệu người xem các chiến dịch quảng cáo truyền hình và còn biết họ đạt được những gì về khía cạnh xây dựng thương hiệu, ví dụ như nâng cao độ nhận diện thương hiệu, tăng hình ảnh thương hiệu… Trong khi đó, các dữ liệu thống kê của các chiến dịch tiếp thị trực tuyến mới chỉ tập trung vào những số liệu như số lần xuất hiện quảng cáo, tỉ lệ CTR (click through rate). Đây chỉ là những dữ liệu đơn giản không nói cho doanh nghiệp biết khách hàng phản hồi như thế nào với các chiến dịch tiếp thị, ông Joe Wheller cho biết thêm. Ngoài ra, còn có nhiều nguyên nhân khác như: nhận thức cũng như các cách thức triển khai loại hình tiếp thị mới mẻ này của các doanh nghiệp còn chưa sâu sát, thiếu thực tế; thói quen mua hàng của người tiêu dùng… cũng khiến cho internet marketing chưa thực sự phát triển tương xứng với tiềm năng có sẵn.
Người dùng sử dụng các thiết bị để kết nối internet
Internet marketing sẽ trỗi dậy
Theo Trung tâm internet Việt Nam, tính tới tháng 8/2012 Việt Nam đã có hơn 31 triệu người dùng internet, chiến 35.4% dân số cả nước, với 66% sử dụng internet hàng ngày. Internet tác động rất lớn tới khả năng tiếp cận thông tin cũng như hành vi mua hàng của hơn 35% dân số Việt Nam. Các chuyên gia cho rằng, năm 2013 tới sẽ xuất hiện 3 xu hướng chủ đạo của tiếp thị trực tuyến đó là: tiếp thị qua mạng di động, tiếp thị qua mạng xã hội và tiếp thị qua mạng quảng cáo mà doanh nghiệp cần phải quan tâm để thúc đẩy kinh doanh. Tại Hội thảo quốc tế Công nghệ và Nội dung số, Ông Bùi Sơn, Giám Đốc công ty Felix JSC chia sẻ, “Sẽ có thêm một tỉ người dùng Internet trong những năm tới, đa phần những người dùng mới này tập trung ở các nước đang phát triển; nhiều người trong số đó tiếp cận Internet lần đâu tiên qua thiết bị di động và thậm chí không sở hữu máy tính cá nhân PC. Nền tảng di động sẽ là nền tảng đầu tiên trong lịch sử loài ngoài giúp cho nhà cung cấp sản phẩm/dịch vụ tiếp cận được với hầu hết 7 tỉ người trên toàn thế giới. Đây là thị trường không thể bỏ qua…”
Ví dụ về Coca Cola nhân dịp kỉ niệm 125 năm sinh nhật, đã tạo ra trò game trên mạng để người sử dụng smartphone chụp chai Cocacola kết nối với chuỗi ngày 7/11 của Mỹ để thiết kế vỏ chai để nhận được giải thưởng. Người trẻ có thể chụp ảnh trên ứng dụng game sẽ trang trí chai theo cái cách khác nhau chỉ cần lắc điện thoại là được mặc áo khác nhau nếu chiến thắng thì nhận được phiếu và đổi chai Coca Cola thực. Sáng kiến cộng tác với khách hàng đã đem lại sự liên kết sâu hơn giữa người dùng và thương hiệu Coca Cola.
Việt Nam sẽ không nằm ngoài xu hướng trên của thế giới. Việt Nam đã có hơn 120 triệu thuê bao di động (gấp 1,5 dân số cả nước); giá thành Smartphones ngày càng giảm và còn tiếp tục giảm. Chỉ trong một vài năm tới đa số điện thoại ở Việt Nam sẽ là smartphones, kèm theo cước internet ngày càng rẻ với nhiều khuyến mại hấp dẫn sẽ là những xúc tác mạnh tăng tỉ lệ truy cập internet qua điện thoại di động. Tuy nhiên, để đạt hiệu quả tối ưu, “doanh nghiệp cần thiết kế các ứng dụng, website có thể truy cập dễ dàng từ các thiết bị di động. Các từ khóa, quảng cáo và landing page ngắn gọn, người tiêu dùng sẽ không dành nhiều thời gian để gõ hay đọc trên smartphone”, ông Hoàng Anh Tuấn, phó GĐ khối Admarket của Admicro thuộc Vccorp chia sẻ thêm. Trong khi đó, nói về mạng xã hội, ông Hoàng Kim Tước, GĐ phát triển và hoạch định chính sách của facebook chia sẻ, “Vượt qua cả Đài loan, Indonesia, Philippine, tính tới tháng 9/2012 Việt Nam có tới 13.1 triệu người dùng Youtube, trung bình mỗi người xem 137 video/ ngày (Comscore). Số người dùng Facebook tại Việt Nam tính tới 24/10/2012 lên tới 9.117.480 người, tăng 5.479.000 người dùng trong vòng 6 tháng vừa qua. Trung bình 1 ngày, Facebook có thêm hơn 30 nghìn người Việt Nam tham gia mạng xã hội này”.
Các chuyên gia thảo luận với các doanh nghiệp về xu hướng Internet Marketing trong năm 2013
Bên cạnh đó, tiếp thị qua mạng quảng cáo cũng là một xu hướng quan trọng trong năm 2013 sắp tới. Bởi theo ông Nguyễn Minh Quý, GĐ công ty Nova Ads, truy cập mạng tìm kiếm vẫn là một trong hai hoạt động online thường xuyên nhất của người dùng internet. Theo báo cáo của Cimigo, năm 2012 có tới 94% người sử dụng internet là để truy cập mạng tìm kiếm Google, số liệu này năm 2011 là 92%. Tìm kiếm thông tin trở thành hoạt động thường xuyên thứ 2 ngang với hoạt động đọc tin tức. Vì vậy, xuất hiện trên những trang đầu kết quả tìm kiếm của Google trở thành nhu cầu cần thiết của doanh nghiệp. SEO và Google Adwords sẽ tiếp tục đươc đầu tư mạnh hơn trong năm 2013.
Tựu chung lại, Internet khiến mọi thứ thay đổi vô cùng nhanh chóng. Vì vậy doanh nghiệp luôn cần cập nhật thông tin để điều chỉnh chiến lược và kế hoạch hoạt động kinh doanh của mình cho phù hợp với xu hướng mới của người dùng thì mới có thể đứng vững được trong “chiến trường”.
Theo TGS